MENU

Shoppertainment: Xu hướng mới của thương mại điện tử

  • Tôi đã sao chép URL!

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thương mại điện tử không chỉ ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc mà còn thay đổi sâu sắc hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Với sự dịch chuyển từ mua sắm truyền thống tại cửa hàng sang môi trường trực tuyến, khách hàng ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ và đầy cảm hứng hơn thay vì chỉ đơn thuần là mua sắm. Điều này đã thúc đẩy sự ra đời của xu hướng Shoppertainment – một phương thức kết hợp giữa mua sắm và giải trí, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả tiếp thị và tăng doanh số bán hàng.

Shoppertainment là gì?

Shoppertainment là sự kết hợp giữa “mua sắm” và “giải trí”. Theo Từ điển Oxford (1990), Shoppertainment được định nghĩa là “việc cung cấp các cơ sở giải trí hoặc nghỉ ngơi trong hoặc bên cạnh cửa hàng bán lẻ hoặc trung tâm mua sắm, như một phần của chiến lược tiếp thị nhằm thu hút khách hàng và kích thích mua sắm”.  Ngày nay, khái niệm này đã được mở rộng bao gồm cả các hoạt động trực tuyến như livestream bán hàng, video mua sắm và gamification (trò chơi hóa). Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh hợp tác với KOL hoặc KOC để tạo ra các phiên livestream, video giới thiệu sản phẩm, điển hình là Quyền Leo Daily, Võ Hà Linh, Phạm Thoại,…

Shoppertainment: Xu hướng mới của thương mại điện tử

Nghiên cứu năm 2022 của TikTok và Boston Consulting Group (BCG) tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) đã xác định rằng “giải trí mua sắm” là yếu tố cốt lõi dẫn đến thành công trong kỷ nguyên thương mại điện tử. Báo cáo cho thấy, đến năm 2025, Shoppertainment có thể tạo ra cơ hội doanh thu lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD cho các thương hiệu tại khu vực này. 

bao-cao-shoppertainment-tiktok&bcg

Báo cáo Shoppertainment Tiktok&BCG

Xét về người tiêu dùng, nghiên cứu còn cho thấy người tiêu dùng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang mong đợi các thương hiệu tập trung vào yếu tố giải trí trước khi đưa ra các thông tin thương mại như sản phẩm hay đường dẫn mua hàng. Điều này sẽ dẫn dắt họ từ giai đoạn nhận thức đến giai đoạn chuyển đổi một cách liền mạch hơn.

Ngoài ra, Siuok Chung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Người tiêu dùng, COSRX cho biết: “Những mẩu nội dung dưới dạng video ngắn có thể được thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng. Dù chỉ kéo dài 15 giây, những video này vẫn truyền tải đầy đủ cảm xúc, cảm nhận về sản phẩm một cách thú vị, từ đó gia tăng mức độ tương tác giữa khách hàng với thương hiệu.”

Các phương thức Shoppertainment hiệu quả

Livestream

Livestream bán hàng là phương thức giới thiệu sản phẩm qua các buổi phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Ở đó, khách hàng có thể tương tác và mua sắm ngay trong thời gian thực. Khi livestream, doanh nghiệp thường sử dụng chiến thuật tạo cảm giác “FOMO” (Fear of Missing Out – sợ bỏ lỡ) cho khách hàng bằng cách áp dụng ưu đãi độc quyền, giảm giá ngắn hạn, hoặc giới hạn số lượng sản phẩm để tăng lượt mua hàng.

shoppertainment-qua- livestream

Shoppertainment qua hình thức Livestream

Video mua sắm (Shoppable Videos)

Video mua sắm là sự kết hợp giữa video ngắn và khả năng mua sắm trực tuyến. Các video hoặc bài đăng trên mạng xã hội được tích hợp các thẻ sản phẩm, cho phép người xem nhấp chuột để chuyển đến trang sản phẩm hoặc mua hàng trực tiếp. Xu hướng này giúp nâng cao trải nghiệm mua sắm và tăng khả năng chuyển đổi.

shoppertainment-qua- video-mua-sam

Shoppertainment qua hình thức Video mua sắm

Gamification

Gamification, hay trò chơi hóa, là việc sử dụng các yếu tố trò chơi trong hoạt động tiếp thị nhằm tạo ra trải nghiệm hấp dẫn và khuyến khích khách hàng tham gia. Người dùng có thể tham gia các trò chơi để nhận mã giảm giá, ưu đãi hoặc các phần quà đặc biệt. Ví dụ như các trò chơi “trồng cây hái xu”, “lắc xu”, hay “vòng quay may mắn” trên Shopee giúp giữ chân người dùng và thúc đẩy doanh số bán hàng.

shoppertainment-qua- gamification

Shoppertainment qua hình thức Gamification

Kết luận

Với sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng và sự phát triển liên tục của thương mại điện tử, việc áp dụng chiến lược Shoppertainment đã trở thành một phương thức bán hàng hiệu quả và không thể thiếu đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ Shoppertainment, các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo nội dung giải trí phù hợp với kênh phân phối và đối tượng khách hàng mục tiêu, đồng thời, kết hợp linh hoạt giữa nội dung giải trí và thông tin thương mại nhằm đảm bảo tính cân bằng, không làm mất đi mục tiêu chính là tăng cường chuyển đổi và doanh số bán hàng.

IORDER – PHẦN MỀM QUẢN LÝ BÁN HÀNG ĐƠN GIẢN & HIỆU QUẢ
Website: iOrder.vn
Hotline: 02871073999